Thursday, 28/03/2024 - 21:24|
WEBSITE ĐANG CHẠY THỬ NGHIỆM
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài liệu truyền thông về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một giải pháp nằm trong các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước xác định và quyết tâm triển khai

TÀI LIỆU TRUYỀN THÔNG VỀ KỲ THI THPT QUỐC GIA

(Phục vụ tập huấn truyền thông về giáo dục và đào tạo năm 2017)

 

I. PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC KỲ THI THPT QUỐC GIA

Quán triệt Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung đổi mới tổ chức, hình thức, phương pháp thi kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo theo lộ trình khoa học với các bước đi phù hợp. Theo đó, đổi mới tổ chức, hình thức, phương pháp thi kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai đồng bộ với đổi mới chương trình, nội dung, cách thức tổ chức dạy học. Lộ trình này đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng.

1. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh từ 2014 trở về trước
Từ năm 2014 trở về trước, các kỳ thi quốc gia được tổ chức hằng năm, riêng rẽ, đồng loạt, toàn quốc vào những thời điểm gần nhau, liên tiếp, có cùng nội dung thi là kiến thức và kỹ năng nằm trong Chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 cho đối tượng học sinh học xong Chương trình THPT: Thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các tỉnh) với khoảng hơn 1 triệu thí sinh tham gia; thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TC tại các trường ĐH, CĐ, TC với tổng số khoảng hơn 1,5 triệu lượt thí sinh đăng ký, trong đó chỉ có khoảng 75% dự thi, còn lại là số hồ sơ ảo.
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nên còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong tổ chức thi, trong đó rõ nhất là bệnh thành tích trong thi cử kéo dài nhiều năm, làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực, gian lận ở nhiều địa phương, dẫn đến sai lệch kết quả thi nhất là các khâu coi thi, chấm thi làm cho thi cử trở nên nặng nề, tốn kém, không đạt hiệu quả thiết thực, không thực sự tác động tích cực thúc đẩy quá trình dạy học ở bậc học phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm từ 2012 đến 2014 đã được tổ chức nghiêm túc, thực chất hơn những năm về trước, nhưng nhìn chung dư luận xã hội tin tưởng vào tính nghiêm túc, độ tin cậy của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hơn là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, có một số ý kiến đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trong 13 năm đã khẳng định những thành công, ưu điểm. Tuy vậy, hình thức thi "3 chung" đã bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường ĐH, CĐ; nhất là khi các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo. Việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo 5 khối (A, A¬¬¬¬¬¬¬¬1, B, C, D) đã hạn chế sự tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong đánh giá một số năng lực cần thiết, đặc thù phù hợp với ngành đào tạo của trường, làm cho công tác tuyển sinh chưa thật sự linh hoạt, chưa hỗ trợ tốt cho các trường ĐH, CĐ tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp nhất với các ngành đào tạo. Mặt khác, việc rất đông thí sinh từ các địa phương ở xa phải tập trung về các trường ĐH, CĐ dự thi tuyển sinh, đặc biệt là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng sinh hoạt đô thị, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của và lãng phí.

2. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015
Để đảm bảo đổi mới thi và tuyển sinh đáp ứng yêu cầu trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp và xem xét một cách toàn diện các khía cạnh của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ 2015 để sử dụng kết quả với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một giải pháp nằm trong các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước xác định và quyết tâm triển khai. Phương án này là cách tiếp cận mới trên cơ sở tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và cả những ưu điểm của thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức ”3 chung” những năm qua, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh; đảm bảo tính khả thi, nghiêm túc trong việc tổ chức thi và tính khách quan, độ tin cậy của kết quả thi. Phương án không dựa trên việc bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi chung nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội “tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực“. Phương án đồng thời phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là ngày càng coi trọng kỳ thi phổ thông trong việc đánh giá, xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Việc đổi mới thi, tuyển sinh theo phương án sẽ làm cho thi cử trở nên gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội; đồng thời không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh, tạo thuận lợi và tạo thêm nhiều cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ; các em vẫn tiếp tục học, thi, kiểm tra, đánh giá theo chương trình, sách giáo khoa phổ thông như hiện nay nên không phải thay đổi cách học hay bổ sung kiến thức gì nhiều. 
Theo phương án, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh được thực hiện qua 2 bước đảm bảo khoa học và khả thi: bước đầu tiên là đổi mới cách thức tổ chức thi và bước thứ hai là đổi mới phương thức thi với sự điều chỉnh hợp lý để dần hoàn thiện qua từng bước, không gây “sốc” hoặc tạo hiệu ứng “ngược” đối với quá trình dạy học, tạo tâm lý ổn định cho học sinh, giáo viên, gia đình và xã hội.

3. Kết quả thực hiện Phương án các năm 2015, 2016
Các mục tiêu của Phương án đã cơ bản được đáp ứng trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, bất cập như: việc duy trì 2 loại cụm thi (một do trường ĐH chủ trì, một do sở giáo dục và đào tạo địa phương chủ trì); một số lượng lớn cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ phải di chuyển về các địa phương, có nơi rất xa để coi thi, gây tốn kém và áp lực cho giảng viên; đề thi chưa bao quát tối đa chương trình, khiến cho học sinh vẫn lo lắng, dẫn đến học tủ, học lệch; thời gian thi, nhất là số ngày thi còn dài (thi 08 môn trong 4 ngày) gây vất vả cho thí sinh và công tác tổ chức; dù đã sử dụng nhiều biện pháp để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi nhưng sự không đồng đều về coi thi, chấm thi tự luận vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi; nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu, tình trạng hồ sơ ảo vẫn tồn tại với tỷ lệ cao, vừa gây khó khăn, vừa tốn kém cả thời gian và công sức trong công tác tuyển sinh,... Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi mà không đổi mới phương thức thi thì việc đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra. 

 

4. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017 
Xuất phát từ thực tiễn trên, phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những điểm hạn chế của kỳ thi năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở giáo dục và đào tạo chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ. Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn). Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Phương thức thi này có thể xem như hàng rào kỹ thuật đảm bảo cho kết quả kỳ thi tin cậy hơn, loại trừ hầu hết tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi.
Ngày 28/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên). Kết quả chấm thi các bài thi tổ hợp sẽ cho biết điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới). Điểm liệt đối với mỗi bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 1,0 điểm.
Cụ thể hơn, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Thí sinh được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai.
Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Với phương thức như vậy, các cơ sở giáo dục ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh. Những trường có yêu cầu cao, trường có ngành đặc thù, năng khiếu có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi môn năng khiếu theo quy định để lựa chọn được thí sinh vào học các ngành phù hợp.
Các trường có nhiều giải pháp lựa chọn phương thức để tuyển sinh, như: (i) Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia; (ii) Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; (iii) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; (iv) Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.
Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trong phương án thi, tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn dự kiến cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng Bộ sẽ xây dựng phần mềm phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông…
Như vậy, những điều chỉnh trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017 đã có sự thay đổi về cách tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm bài thi… Đây là những giải pháp khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.
Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm không ảnh hưởng đến cách dạy, cách học cũng như sự chuẩn bị từ trước của thí sinh. Trên thực tế, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thi trắc nghiệm 4 môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ). Mười năm qua, phương thức thi này đã thể hiện đươc tính ưu việt trong công tác tổ chức thi cũng như về sự khách quan, chính xác của kết quả thi. Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học học của học sinh bằng cả 2 hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Vì vậy, thí sinh sẽ không gặp khó khăn gì khi đổi mới phương thức thi.
Tháng 10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 14 đề thi minh họa; tháng 01/2017 công bố đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Theo đó, dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung cũng như về phương thức thi trắc nghiệm khách quan. 
Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các trường ĐH, CĐ, kết quả của kỳ thi nghiêm túc, có độ phân hóa tốt sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển đa dạng cũng giúp cho các trường tuyển được thí sinh phù hợp hơn đối với các ngành khác nhau. 

 

II. TRIỂN KHAI TỔ CHỨC KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 
1. Những công việc đã thực hiện

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn
- Ngay sau khi ban hành Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 (Công văn số 4818/BGDĐT-KTKĐCLGDngày 28 tháng 9 năm 2016), Bộ GDĐT đã kịp thời ban hành các văn bản pháp quy chỉ đạo thi và tuyển sinh kèm theo các văn bản hướng dẫn. Cụ thể:
+ Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; 
+ Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
+ Công văn số 417/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 10/02/2017 về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế thi trong tổ chức thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017; 
+ Công văn số 603/BGDĐT-GDĐH ngày 17/02/2017 về việc hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017. 
Các quy chế thi, tuyển sinh và văn bản hướng dẫn được soạn thảo trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, 2016 và tham khảo ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành trước khi ban hành nên có tính thực tế, khả thi và sự đồng thuận xã hội cao, đảm bảo chỉ đạo tổ chức thi và tuyển sinh năm 2017 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. 
- Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 27/3/2017 về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học cao đẳng; gửi Công văn của Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chỉ đạo Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017 và công văn chỉ đạo các Giám đốc sở GDĐT, Cục trưởng Cục Nhà trường, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quán triệt nhiệm vụ tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017.
- Căn cứ số lượng thí sinh dự thi, trên cơ sở khảo sát thực tế và tham khảo ý kiến của các sở GDĐT và các trường ĐH, CĐ, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-BGDĐT ngày 27/3/2017, giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 cho các sở GDĐT và các trường đại học, cao đẳng.

 

b) Hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin
Bộ GDĐT đồng thời xúc tiến khẩn trương bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh đã áp dụng có hiệu quả trong các năm 2015, 2016 cho phù hợp với Phương án tổ chức năm 2017; đồng thời, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh. Hiện các phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi và đăng ký xét tuyển đã hoàn thành, đang triển khai để nhập và quản lý hồ sơ đăng ký thi, xét tuyển; phần mềm hỗ trợ công tác xét tuyển của các trường, phần mềm lọc ảo đang được rà soát lần cuối để tập huấn cho các cơ sở giáo dục đại học vào tháng 5/2017.

 

c) Tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh
Trong các ngày 09 và 10/3/2017, Bộ đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017. Lãnh đạo phụ trách thi, tuyển sinh của 63 sở GDĐT, 270 trường ĐH, CĐ trong toàn quốc, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và cán bộ, chuyên viên làm công tác thi, tuyển sinh, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các đơn vị đã tham gia tập huấn. Công tác tập huấn đã tập trung vào những điểm mới và các vấn đề sai sót thường xảy ra ở các năm trước.

 

d) Tăng cường truyền thông về thi và tuyển sinh
Tăng cường công tác truyền thông, Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị của Bộ trực tiếp trao đổi trên truyền hình, trên các báo điện tử về Kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh năm 2017; đồng thời,cử cán bộ tham gia cùng các báo, đài tư vấn giải đáp các băn khoăn thắc mắc, giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội nắm được thông tin và đồng thuận với chủ trương thi và tuyển sinh năm 2017 của Bộ.

 

đ) Chuẩn bị ra đề thi
- Ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017đã được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong Phương án, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. 
Căn cứ ma trận đề thi, Bộ xây dựng các đề minh họa, đề thi thử nghiệm làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi. Bộ đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017 vào ngày đầu tháng 10/2016; công bố 14 đề thi thử nghiệm vào tháng 01/2017. Đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm được dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung, về phương thức thi trắc nghiệm khách quan cũng như ý nghĩa tác động đối với việc chuẩn bị tổ chức Kỳ thi. 
- Bộ đã gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa Ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục KTKĐCLGD bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong Ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. 
Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6 năm 2017.

 

e) Tổ chức dăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển
Theo lịch công tác thi và tuyển sinh năm 2017, Bộ đã chỉ đạo các sở GDĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy từ ngày 01/4/2017 đến hết ngày 20/4/2017. Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài việc cung cấp đầy đủ các Quy chế, văn bản hướng dẫn và thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo và điền thông tin chính xác vào Phiếu ĐKDT và Phiếu ĐKXT trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ (thituyensinh.vn), Bộ GDĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc sở, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Trung tâm truyền thông của Bộ phối hợp chặt chẽ với các báo, đài để kịp thời giải đáp những băn khoăn và thắc mắc của thí sinh và người dân.
Do thông tin về kỳ thi được cung cấp đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký dự thi đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Các sở GDĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối. Trong thời gian đăng ký, hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt. Các sở GDĐT cũng đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Việc thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn bài thi khoa học tự nhiên trong khi đăng ký xét tuyển vào đại học khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình.
Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ quy định; các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT, các trường phổ thông giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Đặc biệt, một số sở GDĐT đã xây dựng giải pháp khả thi, nỗ lực thực hiện và hoàn thành sớm việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ thí sinh (đặc biệt là số thí sinh tự do) vẫn chưa nắm vững các quy định dẫn đến còn nhiều sai sót trong đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Hạn chế này đặt ra yêu cầu phải hướng dẫn kỹ hơn các quy định về thi và tuyển sinh tại các điểm đăng ký dành cho thí sinh tự do.

 

2. Kế hoạch triển khai thời gian tới

a) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị thi. Thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

 

b) Tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.
- Rà soát, hoàn thiện phần mềm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh, phần mềm lọc ảo, phần mềm hỗ trợ xét tuyển ở các trường; chạy thử phần mềm với dữ liệu giả định và tập huấn cho các trường sử dụng các phần mềm này.
- Hoàn thiện phần mềm xây dựng đề thi từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; phần mềm chấm thi trắc nghiệm và chuyển giao cho các sở GDĐT để triển khai.

 

c) Chỉ đạo tổ chức và kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các sở GDĐT, công tác chuẩn bị tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ.Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thi và tuyển sinh trong và sau thời gian tổ chức thi và tuyển sinh.

 

d) Giải đáp các băn khoăn thắc mắc về thi và tuyển sinh; hướng dẫn xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh.

 

đ) Chỉ đạo các sở GDĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng:
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh trong các trường phổ thông thuộc quyền quản lý:
+ Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017; nghiêm cấm việc cắt xén chương trình;
+ Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các cơ sở giáo dụcvề dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS; kỹ thuật biên soạn ma trận đề và câu hỏi trắc nghiệm khách quan; tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS học kỳ II và cả năm học đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của HS;
+ Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ; trong đó, lưu ý việc ôn tập cho các học viên đã hoàn thành chương trình THPT trước đây nhưng chưa tốt nghiệp THPT, nay có nguyện vọng ôn tập, chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 với tư cách thí sinh tự do tại các trung tâm GDTX.
- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (đối với Cục Nhà trường) thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Xây dựng phương án tổ chức thi thực tế và khả thi; xây dựng phương án huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo; tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia; xây dựng các phương án huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi và phương án dự phòng ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

 

e) Chỉ đạo các trường ĐH, CĐ:
- Phối hợp chặt chẽ với các sở GDĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia Kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh;
- Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ công tác tuyển sinh; thiết lập đường dây nóng và phân công các cán bộ nắm vững Quy chế tuyển sinh để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của thí sinh. Các trường cần có cán bộ phụ trách truyền thông, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền những lợi ích của việc đổi mới thi/tuyển sinh mang lại cho thí sinh, nhà trường và xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện

 

3. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp xử lý
a) Việc tổ chức cụm thi tại mỗi tỉnh giúp thí sinh không phải di chuyển xa khi tham gia kỳ thi, giảm nhiều áp lực đi lại và tốn kém kinh phí so với trước đây nhưng lại tiềm ẩn các vấn đề phức tạp trong thực hiện nghiêm túc các khâu của kỳ thi và đảm bảo tính khách quan, công bằng của kết quả thi, nhất là ở các địa phương ở vùng khó khăn, cơ sở phục vụ cho tổ chức thi thiếu và phân tán. 
Giải pháp của Bộ GDĐT: tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ đi liền với nêu cao ý thức trách nhiệm; chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất phục vụ tổ chức thi (thông qua giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cho sở GDĐT địa phương và giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi cho các trường ĐH, CĐ). 
b) Việc đổi mới phương thức thi, chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài từ chủ yếu thi theo hình thực tự luận sang đa phần thi trắc nghiệm vừa rút ngắn thời gian thi vừa đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, hạn chế tối đa gian lận, tiêu cực nhưng lại đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, kinh phí trong xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi và ít nhiều tạo ra băn khoăn, lo lắng trong thí sinh, phụ huynh và xã hội trước phương thức thi mới (đặc biệt với bài Toán và bài khoa học xã hội). 
Giải pháp của Bộ GDĐT: 
- Tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận, trong thí sinh, phụ huynh và xã hội; tăng đề thi thử nghiệm, tham khảo để giúp thí sinh tập dượt, làm quen với phương thức thi mới. 
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cấp bổ sung kinh phí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra đề thi trắc nghiệm; trong đó, có cơ chế đặc thù với đội ngũ cán bộ tham gia công tác đề thi.

 

III. ĐỊNH HƯỚNG TIẾP THEO 
- Tổ chức thành công thi và tuyển sinh năm 2017, nghiêm túc rút kinh nghiệm để triển khai thi và tuyển sinh các năm tiếp theo. 
- Giữ ổn định Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định, đảm bảo phù hợp với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./

 

CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Tác giả: Theo Cục Khảo thí kiểm định chất lượng GD


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết